Mình của hiện tại là một người yêu thích đọc sách. Nhưng mình không sinh ra vốn dĩ là người mê sách.
Câu chuyện về sách đầu tiên mà mình còn nhớ được là khi mình khoảng 7 hoặc 8 tuổi, vào ngày sinh nhật, bố đưa đến mình tới hiệu sách và cho phép mình được chọn tùy thích. Mình đã chọn một cuốn “Bách khoa toàn thư cho trẻ em” :)) Trời ơi mình mê mải suốt bao nhiêu tháng ngày.
Khi đi học thì mục tiêu chỉ là học cho điểm thật cao thôi, vậy sách duy nhất mình đọc là sách giáo khoa. Và tất cả các loại sách truyện khác đều hầu như được phụ huynh liệt vào hạng tào lao. Truyện tranh hồi đó được tuyên truyền là độc hại, còn truyện khác đều bị đánh đồng là tiểu thuyết 3 xu. Tất nhiên, như những trẻ em khác thì mình cũng đi thuê truyện và đọc lén vào mùa hè.
Công cuộc đọc sách chỉ thực sự đột phá trong khoảng 5 năm trở lại đây. Lúc đó việc đọc không còn là sở thích, mà là mục tiêu để học. Mình học xem nuôi con ra sao, dạy con thế nào. Mình không muốn “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, mình muốn làm gì phải có phương pháp khoa học đàng hoàng. Từ thói quen đọc sách của một bà mẹ trẻ, và tình cờ được anh rể quẳng cho Kindle thì cuộc đời mình đã sang trang khác.
Nếu trước đây, mình chỉ mê đọc sách giấy, ngửi mùi giấy, và nhất là được chất lên giá sách để nhìn thấy “chiến lợi phẩm”, thấy mình cũng ra gì phết thì nay mình thấy rằng đọc chất liệu gì cũng được, miễn là không ngừng đọc. Có những bạn nói là không tìm được sách phù hợp, không có tâm trạng, không có thời gian, … và vô vàn lý do khác nữa. Nhưng nếu đã thành thói quen, kiểu gì bạn cũng có thể đọc 5 phút mỗi ngày, kiểu gì giữa triệu triệu tỷ tỷ cuốn sách ngoài kia bạn cũng tìm được một cuốn hợp tâm trạng.
Vậy tiếp theo đây, mình sẽ kể về ngộ nhận và sự tiến hóa của mình trong quá trình đọc sách:
Đa dạng hình thức và đa dạng về nội dung
- Công nghệ sẽ thay đổi bạn
Khi nước ngoài, bạn lâu lâu mới mua được sách tiếng Việt. Nếu bạn phải di chuyển nhiều, việc mang theo nhiều cuốn sách giấy làm hành trình cũng nặng hơn một chút. Chỉ chăm chăm đọc sách giấy sẽ làm hạn chế những sự lựa chọn của bạn. Chưa kể những tác phẩm dày cộp trên 500 trang khiến bạn khó lòng mang theo hàng ngày, hoặc trước lúc đi ngủ (như một cuốn sách 1kg rơi vào mặt) sẽ làm cản trở tiến độ đọc của bạn đó.
Sắm cho mình 1 chiếc Kindle (hay bất kỳ hãng sách điện tử nào tương tự), sắm cho mình 1 tài khoản Audiobook đi, còn chờ chi. Hay ngay trên điện thoại, bạn có thể dùng các app đọc sách, app nghe sách nữa.
Đúng, đa dạng phương thức đọc sách, hãy thử một lần và bạn sẽ thấy việc đó thay đổi bạn ra sao. Một khi đã đa dạng hóa phương thức tiếp cận của bản thân, …
Còn việc đọc/nghe bằng phương tiện truyền tải nào, vào lúc nào thì dần dần bạn sẽ tìm ra được đáp án cho mình.
Cá nhân mình, ban ngày mình thích đọc sách giấy, thường là non-fiction, để cho tâm trạng mình trung lập nhất. Trong ngày, trong quá trình di chuyển hay nấu cơm, … mình nghe sách. Tối đến mình thường đọc e-book trước khi đi ngủ, vì thường lúc này khá thiếu sáng. Đọc lúc nửa nằm nửa ngồi này thì sách điện tử nhẹ hơn. Thể loại nhiều về fiction, hay self-help; vì khi này mình có tâm trạng để chiêm nghiệm hơn. Hay nếu như những trường đoạn buồn quá, tâm trạng quá thì mình mang nỗi buồn đó vào giấc ngủ, sáng dậy lại là một ngày mới rồi.
2. Đọc nhiều cuốn một thời điểm
Khi đa dạng về phương tiện đọc, mình cũng đồng thời đa dạng về thể loại trong một ngày luôn. Rồi từ đó dẫn đến việc mình thấy mình xen kẽ giữa sách kiến thức và văn học thì chẳng có gì chồng chéo lên nhau cả.
3. Bỏ dở không sao
Trước đây mình cũng ngoan cố lắm, cảm giác đọc dang dở 1 cuốn sách giống như làm việc vô trách nhiệm. Rồi nào là ngụy biện nếu đọc nhiều cuốn 1 lúc thì loãng cảm xúc, nào là không lĩnh hội được hoàn toàn tinh hoa.
Việc đọc nhiều cuốn cùng một thời điểm chính là bước đệm cho “bỏ dở cũng không sao”. Vì khi sáng bạn đọc một cuốn, tối lại cuốn khác cũng là sự bỏ dở một cách tạm thời đó thôi.
Có những cuốn mình bỏ không phải bỏ hẳn, như “The start-up nation”, mình quay lại đọc nốt sau vài tháng thì lại thấy hay lạ thường.
Hay như cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” nổi tiếng là vậy mà mình cứ cố cắm đầu đọc nốt làm cho mình khó chịu vô cùng, vô cùng. Để rồi rút ra kết luận là nếu đọc sách mà để lại một tâm trạng tiêu cực như vậy thực ra là “độc hại”; mình đã đi ngược lại với mục đích của đọc sách rồi.
Mình đã học “buông” như vậy đó.
Kết luận:
Đó là 3 trong số nhiều điều mình nghiệm ra được sau nhiều năm đọc sách. Còn nhiều điều hơn nữa, có thể mình sẽ viết lại trong một lần khác.
Chưa cần nói đến những điều mới mẻ tuyệt vời sách mang lại, chỉ riêng đọc như nào cũng đã là cả một bài học đáng giá với mình rồi.
Chúc các bạn cũng tìm được cách riêng cho mình để đọc sách, để yêu kiến thức, tìm được những Happy Klein trong những trang sách nhé.