Sách cho người lần đầu làm mẹ

Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ về những cuốn sách cho các mẹ từ khi bầu tới khi con 3 tuổi, thời gian được cho là rất quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Và tất nhiên cả cuộc đời của người cha, người mẹ nữa, đây là lúc mà thời gian chúng ta dành cho nhau nhiều nhất, intensive nhất.

Trước tiên, khi bắt đầu biết mình sắp làm mẹ, hoặc thậm chí trước đó, bạn nên chuẩn bị cho bản thân mình một tinh thần tốt, sau đó mới tới kiến thức tốt. Bởi khi những người mẹ hạnh phúc, sẽ sinh ra, nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc. À nhưng điều ngược lại cũng đúng, thức là nếu mình có kiến thức tốt, thì mình sẽ có tinh thần ổn định, tự tin bước vào công cuộc làm cha mẹ hơn.

Mình không biết cuộc đời mình sẽ hoang mang, bỡ ngỡ, hoảng sợ, áp lực ra sao nếu mình không có sách. Cuộc đời làm phụ huynh của mình thật biết ơn khi mình đã ngã vào sách vở.

Vì là một bà mẹ Việt sống ở nước ngoài, nên mình đọc sách tác giả Việt sống tại VN, tác giả nước ngoài, mẹ châu Á, mẹ châu Á; người làm cha mẹ, người làm nghiên cứu lĩnh vực giáo dục, … nói chung nhất là đa dạng nhất có thể để chắt lọc những thứ phù hợp nhất với hoàn cảnh bản thân, môi trường sống, và phong cách sống của gia đình mình. Các thể loại sách sẽ được liệt kê theo thứ tự thời gian phát triển của em bé, để các bạn dễ theo dõi nhé.

Một lưu ý là không nhất thiết các bạn phải đọc tất cả các cuốn dưới đây. Nếu không có thời gian, mỗi đề mục dưới đây, hãy chọn cho mình 1 tới 2 cuốn nhé. Dưới đây, có sách mình rất mê, có sách thì bình thường, có quan điểm mình không đồng tình lắm, tuy vậy mình sẽ kể hết những thứ mình đã đọc hoặc chưa đọc mà lại được nhiều bạn recommend. Các bạn tham khảo nhé!

  1. Sách trong thai kỳ:  Đối với mình, mục đích lớn nhất của việc đọc sách trước khi sinh chính là “chấn an tâm lý”. Trước một bước ngoặt lớn trong cuộc đời như việc làm cha mẹ, việc chuẩn bị hành trang là rất quan trọng.
  • What to expect when you are expecting: Được coi là “kinh thánh” của các mẹ bầu Mỹ. Mình cũng học hỏi được một số kiến thức từ đó.
  • Con là khách quý: Nếu cuốn sách trước mang lại cho mình những kiến thức cơ bản về quá trình mang thai và sinh con, thì cuốn sách này lại như một người bạn thủ thỉ tâm tình.

2. Sách về chăm sóc trẻ sơ sinh:

Trong khoảng 1 năm đầu tiên, các vấn đề chăm sóc mà mình tạm gọi là mang tính “vật lý” hay thể chất sẽ được chú trọng hơn, và chiếm nhiều thời gian của các bạn hơn là chăm sóc sức khỏe tâm lý. Dưới đây là các cuốn sách về giấc ngủ, nếp sinh hoạt, bữa ăn cho các bé.

  •  Đọc vị mọi vấn đề của trẻ – Tracy Hogg: Mình chưa đọc cuốn này, theo mình tìm hiểu thì đây có thể gọi là một cẩm nang đầy đủ hơn và toàn diện hơn của “Nuôi con không phải cuộc chiến”.
  •  Nuôi con không phải cuộc chiến: Được coi là sách gối đầu giường của các mẹ, best seller những năm gần đây. Mình chưa đọc sách của cô Tracy Hogg nên không thể so sánh. Cá nhân mình thấy đây là cuốn đủ dùng trong một năm đầu tiên cho các mẹ. Mình đã áp dụng, có cái thành công, có cái thất bại, và điều lớn nhất mình rút ra là hãy linh động. Có lúc mình quá cứng nhắc khiến bản thân áp lực và mệt mỏi, các bạn đừng như mình.
  • Để con được ốm: Những kiến thức tổng quan về các loại bệnh, sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ. Mình đồng ý hoàn toàn với các chia sẻ của bác sỹ Trí Đoàn. Điểm trừ duy nhất ở cuốn sách này là cách diễn đạt. Tác giả cố gắng viết vui vẻ, dí dỏm, mô tả bệnh tình và các tình huống chị đã gặp phải để cho việc ốm đau bệnh tật không quá khô khan và nặng nề. Việc này trải dài suốt cuốn sách làm mình vô hình chung đến nửa sau hơi mệt, và thường skip qua phần mô tả của tác giả, và đến tới lời khuyên của bác sỹ.
  • Baby-Led Weaning: The Essential Guide to Introducing Solid Foods-and Helping Your Baby to Grow Up a Happy and Confident Eater – Gill Rapley: Ngay từ đầu mình đã nghiêng nhiều hơn về phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, nên cuốn này khá phù hợp để có kiến thức tổng quan.
  • Three day potty training (Vì mông bé cũng cần được thở): Sách này rất mỏng nên đọc nhanh vô cùng.

3. Sách về giáo dục, giao tiếp, kỹ năng với trẻ dưới 3 tuổi:

Dù có bận rộn với các hoạt động ở phần 2 tới mấy, thì bạn hay dành chút thời gian xe kẽ những cuốn sách về giao tiếp với trẻ càng sớm các tốt nhé. Chỉ khi bạn bắt đầu sớm ý thức tới lời ăn, tiếng nói, những hành động nhỏ nhặt của chính bản thân mình, thì bạn mới có thể sớm điều chỉnh hành vi của mình được. Và chỉ khi đó, mình mới có thể điều chỉnh hành vi của con, hướng dẫn con được. Luôn tâm niệm rằng con chính là phản chiếu của cha mẹ, người thân, người nuôi dưỡng bé, chỉ khi cha mẹ “nên người”, con mới “nên người”.

  •  Phương pháp nuôi dạy con không đòn roi (Tên tiếng Anh: No Drama Discipline): Mình không thích cách dịch tên tiếng Việt của cuốn này lắm, nhưng nội dung của cuốn sách khá ổn. Có một điểm trừ theo mình là sách hơi dài dòng, bạn có thể skim nhanh, lấy ý chính và áp dụng.
  • Phương pháp nuôi dạy quyết định tính cách trẻ – Erika Takeuchi: Ngắn gọn, dễ hiểu, gần với văn hóa Việt Nam.
  • Nói sao cho trẻ chịu nghe, nghe sao cho trẻ chịu nói: Đây thực ra là cuốn đầu tiên về giao tiếp với bé mà mình đọc, và cũng là cuốn mình tâm đắc nhất. Dù cuốn sách có viết dành cho gia đình có trẻ trong khoảng 3 đến 6 tuổi, nhưng như mình đã nói ở trên, đọc càng sớm thì mình càng sớm điều chỉnh được ngôn ngữ và hành vi của mình. Lý do vì sao mình xếp cuốn này thứ 3 là vì nó thật sự rất dài, các bạn có thể xem xét đọc dần dần trang vài tháng cho tới một năm. Cũng theo mình, đang là cẩm nang kiến thức đầy đủ hơn của cuốn “Phương pháp nuôi dạy con không đòn roi”, các bạn có thể lựa chọn version ngắn và dài, hoặc cả hai, tùy bạn nhé.
  • Giới thiệu 100 hoạt động Montessori cho trẻ – Con không cần Ipad để lớn: Lại thêm một nghệ thuật giật tít. Cuốn này không có kiến thức nặng nề nào, mà là hướng dẫn những trò chơi mình có thể tương tác cùng con. Các bạn có thể tham khảo để làm đa dạng vốn liếng mua vui cho con tại đây.
  • Con nghĩ đi mẹ không biết – Mẹ Su Xim: Một cuốn sách nhẹ nhàng của chị Thu Hà, kể về trải nghiệm một mình nuôi hai con của chị, rất gần gũi và ấm áp. Mình từng đọc một số review là chị chỉ đơn thuần là một người mẹ, không phải bác sỹ, nhà tâm lý học hay người nghiên cứu thì liệu phương pháp của chị có bị thiếu căn cứ không. Bạn à, đôi khi người mẹ chỉ cần được tâm sự, được đồng cảm, và thấy mình không đơn độc trên chặng đường làm mẹ thôi. Không có một phương pháp hoàn hảo, một cuốn sách hoàn hảo. Và như tên một cuốn sách của Đại Đức Haemin là “Yêu những điều không hoàn hảo”, cuốn sách này cũng vậy, hãy cứ đọc với một tâm thế nhẹ nhàng nhất, chắc lọc lấy những gì bạn cho là phù hợp, bỏ qua những điều không phải là bạn. Vậy thôi!
  • Buông tay để con bay: Thêm một cuốn sách khác của chị Thu Hà, sẽ phù hợp hơn khi con bạn đã lớn hơn một chút, khoảng 5 hay 6 tuổi.
  • Nghệ thuật trách mắng trẻ (Ôi các tên sách với mục đích bán chạy): Do tác giả Việt viết, dễ đọc, ngắn gọn cho các bạn ít thời gian.
  • Người mẹ tốt hơn người thầy tốt: Cuốn sách cho mình một cái nhìn tổng quát về quá trình nuôi dạy con từ nhỏ tới lớn của mẹ Trung Quốc. Mình khá quan tâm tới sách của các tác giả châu Á, có cách giáo dục tiến bộ, vì phông văn hóa tương tự, nên mình dễ đón nhận và hấp thu những ý kiến của họ.
  • Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương: Hừm cuốn này được nhiều mẹ kháo nhau, và được khá yêu thích. Mình chân thành chỉ skim qua, vì thấy phong cách viết sách có phần hơi phô trương, đề cao con cái. Rất xin lỗi nếu mình làm ảnh hưởng tới trải nghiệm đọc của những bạn chưa đọc cuốn này. Dù ít dù nhiều bạn ơi, vẫn có những điểm mình học được đó.

Sách mình chưa đọc nhưng cũng liệt kê để các bạn tham khảo:

  • Làm mẹ rất vui – Tú Anh Nguyễn
  • Nuôi con trộm vía cũng nhàn
  • Chào con ba mẹ đã sẵn sàng
  • Chat với bác sỹ – BS Trần Thị Huyên Thảo
  • Ngộ nhận về sữa mẹ
  •  

 Trên đây là những trải nghiệm đọc sách của mình, các bạn hãy chia sẻ cảm nghĩ về các cuốn trên hoặc recommend cho mình những cuốn các bạn tâm đắc nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *