Số trang: 302
Đánh giá: 3,5/5
Cuốn sách này trong năm qua rất nổi tiếng trên thế giới. Trước hết phải nói đến quyết định mua cuốn sách này của mình, hơn hết là vì cái tên. Dù là tiếng Anh hay được chuyển thể thành tiếng Việt cũng đều quá hay và hợp lý “On earth we’re briefly gorgeous”. Quả là vì anh Ocean Vương được biết tới là một nhà thơ, cái tên thơ và thật tượng hình, thật đẹp.
Khoảng hè năm nay, mình đã mua cuốn tiếng Anh và đọc được khoảng 20%. Mình đã tưởng tượng, cuốn sách không phải một câu chuyện với cốt chuyện, đầu cuối. Thường những cuốn như này, nên đọc với một tâm thế như để dòng nước chảy qua lòng mình thôi. Cũng vì chính lý do đó, mình đã dừng giữa chừng vì những bận rộn của cuộc sống lúc đó. Mình chuyển qua những cuốn sách kiến thức mục đích rõ ràng hay một cuốn văn học có sức nặng hơn. Mình biết mình sẽ trở lại với anh Ocean Vương vào những ngày thu đông thật nhẹ nhàng nào đó.
Và rồi tháng 8, bạn thân tặng mình cuốn tiếng Việt. Mình đã tiếp 80% bằng tiếng mẹ đẻ.
Sách của anh không cuốn mình bằng nội dung, câu chuyện mà bằng cách dùng ngôn từ. Văn anh nhiều hình ảnh, cách dùng từ, dẫn dắt câu chuyện mới lạ mới là điều làm mình thích cuốn sách này.
“Ở tuổi lên năm, mẹ không hề đặt chân vào một lớp học nào nữa. Thế nên, tiếng mẹ đẻ của mình không thể che chở cho mình – vì cả nó cũng mồ côi. Tiếng mẹ đẻ của mẹ con mình là một tráp kỷ vật, một mốc đánh dấu nơi sự học của mẹ kết thúc, hòa thành tro. Nên, mẹ à, nói tiếng mẹ đẻ đối với mình là nói thứ tiếng Việt dở dang, nhưng là nói tiếng chiến tranh hoàn thiện.”
“Khi mới bắt đầu viết, con ghét mình lúc nào cũng không chắc chắn, về những hình ảnh, cụm từ, ý tưởng, thậm chí cây viết hay con cuốn sổ con dùng. Mọi thứ với con đều bắt đầu bằng có lẽ hay biết đâu và kết thúc tôi nghĩ hay tôi cho là vậy. Nhưng sự ngờ vực của con nằm khắp nơi mẹ ạ. Ngay cả khi con chắc như đinh đóng cột thì con vẫn lo là điều con biết sẽ tan đi, sẽ không còn thực mãi, bất chấp con đã viết nó ra.”
Cả ở phần tiếng Anh và tiếng Việt mình đã đọc, mình đều quá mê mẩn cách anh dùng chữ nghĩa. Cả khi đã được dịch sang tiếng Việt mình vẫn cảm được việc khi 2 ngôn ngữ chảy trong anh. Cách anh ngắm nghía tiếng Anh, bẻ gãy các từ và nhìn sâu vào nó với một góc độ người quan sát. Có lẽ, chính những điều đó khiến cuốn sách trở thành hiện tượng tại Mỹ.
“…, bên cạnh mẹ, con mới thấy ghen tị với từ ngữ, chúng làm được những điều ta sẽ chẳng bao giờ làm được – chúng kể được hết mọi thứ về bản thân bằng cách chỉ cần đứng yên, băng cách chỉ cần tồn tại.”
“Mẹ có biết người ta làm ra tiền nhờ nỗi buồn?”
Cũng như ngôn ngữ, anh mở ra một góc nhìn mới về tiệm móng cho người đọc Mỹ. Nơi mẹ anh và rất nhiều người nhập cư khác đã làm việc qua nhiều thế hệ. Với người Mỹ, đó là nơi làm đẹp. Với người nhập cư, đó là nơi nuôi sống gia đình, sau những tấm màn kia, là nơi chơi của lũ trẻ sau giờ hoc; là căn bếp nuôi chúng lớn lên. Cả hai bên đều không nhìn thấy hoặc chưa từng nghĩ tới góc nhìn của phía kia.
“Từ Tiếng Anh được nói thường nhất ở tiệm móng là sorry – xin lỗi. Đó là điệp khúc duy nhất cho đời làm việc trong dịch vụ chăm sóc sắc đẹp… trong khi họ không làm gì sai… hy vọng tạo được chút thiện cảm để nhằm đến cứu cánh là một khoản boa – để rồi lại tiếp tục nói xin lỗi cả khi không nhận được gì.
Trong tiệm móng, xin lỗi là công cụ dùng để nịnh nọt cho tới khi chính từ đó trở thành một thứ tiền tệ. Nó không còn chỉ mang nghĩa mong tha thứ, mà còn là nài nỉ, nhắc nhở: Tôi ở đây, ngay đây, bên dưới ông bà. Nó là khi ta hạ bản thân mình xuống để khách hàng thấy mình đúng, mình thượng đẳng và nhân từ.”
Ocean Vương mang tới sự phá cách trong ngôn ngữ, góc nhìn mới về phía bên kia tấm rèm tiệm nails và cả sự ấm áp tình người.
“Nghe tiếng reo rít róng, con đoán chúng chỉ tầm sáu tuổi đổ lại, độ tuổi mà chỉ cần chuyển động là ta đã hân hoan chí tử. Chúng là những cái chuông nhỏ dường như chỉ cần không khí khua động là reo vang.”
Nếu bạn là người thích ngôn ngữ, nếu bạn có đủ một tâm thế nhẹ nhàng để những dòng chữ của Vương đưa bạn đi, thì đây là cuốn sách dành cho bạn.
Cảm ơn bạn đã lắng nghe.
Link sách: