Sách cho mùa Valentine

Tháng 2 khiến mình muốn chọn ra một vài đầu sách mà mình cảm thấy rất hợp với mùa lễ tình yêu này. Những cuốn sách mình sắp nói tới đây đều không phải ngôn tình, mà lớn hơn vậy.

1. Bàn tay cũng là hoa – Thầy Thích Nhất hạnh
Cuốn sách khiến mình vô cùng bất ngờ, với cách tiếp cận của Phật giáo với tình yêu đôi lứa. Nếu dùng hai từ để mô tả cuốn sách, mình chọn “sâu lắng” và bao dung. Qua việc phân tích thơ của ông hoàng thơ tình Nguyễn Bính, Xuân Diệu hay nhiều tác giả Tự lực văn đoàn, thầy cho chúng ta những cách nhìn rất mới về tình yêu. Cuốn sách nhỏ mà lại nhiều nhạc điệu, vần thơ êm ái vô cùng.

“Ta chẳng bao giờ tiếc nuối
Những giọt nước mắt đổ ra
Vì một ý đẹp, một cành hoa
Hay vì một nỗi đau bên đường rụng phải”
Có lẽ nào anh chết – Lưu Trọng Lư

2. Nội tình của ngoại tình – Esther Perel
Đây lại là một cách tiếp cận mang tính phương Tây và khoa học mà không hề khô khan về đề tài tình yêu, hôn nhân. Một cuốn sách hơn 400 trang mà mình cứ cuốn theo một cách nhẹ nhàng. Esther không lên án, không áp đặt, chỉ cho chúng ta biết tới nguyên nhân, hậu quả, những góc nhìn đa chiều hơn của việc ngoại tình, điều tưởng chừng như chỉ cần nhắc đến thì ai cũng muốn phẫn nộ.

Pamela Haag: “Một cuộc hôn nhân mang đến cho bạn nhiều điều đồng thời cũng đồng thời tước đi nhiều thứ. Sự thường trực giết chết vui tươi, vui tươi giết chết an toàn, an toàn giết chết ham muốn, ham muốn giết chết ổn định, ổn định giết chết bản năng. Khi nhận được một cái gì đó thì ta đồng thời phải từ bỏ một cái gì đó trong ta – tức là từ bỏ một điều gì đó ta có thể sống thiếu nó hoặc không thể sống thiếu nó. Trước khi kết hôn, có lẽ ta rất khó biết được ta có thể hy sinh phần nào trong bản ngã của mình và phần nào tuyệt đối không thể từ bỏ vì vốn dĩ thuộc về linh hồn của ta.”

“Bạn đời của ta không thật sự thuộc về ta, họ chỉ như khoản vay có thể gia hạn hoặc không. Khi biết ta có thể đánh mất họ, ta sẽ không xem thường cam kết ta với họ, ta sẽ chủ động gắn bó với họ hơn, sẽ trân trọng họ hơn và nhất là ta sẽ không tự mãn rằng tình yêu này là mãi mãi.”

3. & 4. Cây cam ngọt của tôi & Oscar và bà áo hồng
Hai cuốn sách văn học mình chọn khi nói về tình yêu. Cả hai cuốn sách đều cho mình thấy thái độ sống tích cực và tình yêu cuộc đời dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Khi chọn ra hai ứng cử viên này, mình không có chủ đích tìm sự tương đồng. Cho tới khi chạm lại vào cuốn sách, mình nhận ra cả hai cuốn sách đều kể về tình bạn của hai người già và hai đứa trẻ xa lạ. Họ trao đổi với nhau những câu chuyện, và thắp sáng tình yêu thương trong nhau.

“Chính ông đã dạy cháu biết sự trìu mến là gì, ông Bồ yêu quý ạ. Giờ đây cháu lại trở thành người cố gắng trao tặng những viên bi và những tấm thẻ bài, bởi vì nếu không có sự trìu mến thì cuộc sống chẳng còn gì đặc biệt nữa.”

5. Sự an ủi của triết học
Yêu nhau, yêu đời rồi, cuốn cuối cùng dành để hiểu và yêu mình. Trong cuốn sách của mình, Alain de botton thảo luận về bản chất của tình yêu và mối quan hệ với hạnh phúc; mối liên hệ giữa của cải vật chất và hạnh phúc cá nhân, cũng như ý tưởng rằng tự do thực sự đến từ bên trong. “Sự an ủi của triết học” là một khám phá phong phú về các ý tưởng triết học, đưa ra hướng dẫn thực tế về cách sống một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa. Triết học qua cách tiếp cận gần gũi của Alain đáng yêu khơi gợi sự tò mò, mong muốn tìm hiểu thêm của mình.

Tình yêu trong thơ, trong văn, dưới góc nhìn khoa học hay triết học đều lấp lánh cả. Chúc các được yêu thương và trao đi yêu thương.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *